Trong những năm qua, Chương trình khuyến công Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng sản phẩm.
Trong những năm qua, Chương trình khuyến công Đồng Tháp ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng sản phẩm.
Thông tin này có thể không còn chính xác
8B/52 Tô Ngọc Vân, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Giống như một mỹ nhân, Sài Gòn nhìn từ trên cao có một đường cong uốn lượn mềm mại của dòng sông. Đường cong ấy một bên là Thủ Thiêm, một bên là vàm Bến Nghé. Phía Thủ Thiêm khi xưa còn hoang vắng, phía Bến Nghé từ lâu là nơi đô hội. Trong đó, đoạn bờ sông từ nhà máy Ba Son cũ đến Cột cờ Thủ Ngữ là gia sản cực kỳ quý hiếm của thành phố. Nơi đây ẩn chứa chuỗi giá trị lấp lánh của nhiều thời kỳ lịch sử, rất cần lưu truyền nguyên vẹn cho muôn đời sau.
Bờ sông Sài Gòn nhìn từ các bến tàu hướng đến công trường Mê Linh. (Ảnh: Phúc Tiến, chụp 13/10/2021)
Sài Gòn khởi thủy là một cảng thị nhỏ rất gần biển, mọc lên ở giao điểm bát ngát giữa sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè. Trời phú cho dải đất này dòng sông sâu và khoảng cách bao la, thuận tiện cho tàu thuyền xoay trở. Trời còn trao tặng mưa gió thuận hòa và quan trọng hơn cả là nhiều giồng đất cao, tràn đầy nước ngọt và cây trái.
Thời xa xưa, tàu thuyền lớn nhỏ từ eo biển Cần Giờ dễ dàng cập bờ Bến Nghé để đổi nước và mua thức ăn. Từ đây, thuyền đi tiếp vào con rạch lớn, chẳng mấy chốc là gặp Cầu Kho - nơi có chợ gạo và các loại nông sản xuất xứ từ vùng Gò Công - Mỹ Tho trù phú.
Trong khi ấy, lâm thổ sản từ vùng thượng lưu của sông Sài Gòn (Biên Hòa, Tây Ninh) cũng theo thuyền bè chuyển về Bến Nghé. Thương buôn các xứ xa gần như Indonesia, Nhật Bản, Trung Hoa lui tới kinh đô Oudong của Vương quốc Chân Lạp (cách thủ đô Phnom Pênh ngày nay khoảng 35km về phía Tây Bắc), đều đi qua cửa ngõ Bến Nghé.
Nhận ra vị trí vô giá của Sài Gòn, đầu thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã có những cuộc giao hảo khôn khéo với Chân Lạp để mở rộng tầm ảnh hưởng của Đàng Trong. Năm 1620, chúa Nguyễn gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp để rồi ba năm sau phía “chàng rể” mời “thông gia” đưa người vào lập hai đồn thu thuế giao thương - một dạng thuê nhà thầu thân tín.
Khoảng đất Cột cờ Thủ Ngữ và khu Cầu Kho là nơi đặt hai đồn thu thuế cổ xưa đó. Ngoài việc thu thuế, chính quyền Đàng Trong còn được mở một dinh điền ở Mô Xùy (Bà Rịa) - nông trường do quân đội điều hành. Như vậy, từ thời điểm 1623, người Việt bao gồm cả lưu dân và binh lính, chính thức có mặt ở Sài Gòn và vùng phụ cận. Không đâu khác, đoạn bờ sông Bến Nghé và vị trí Cột cờ Thủ Ngữ chính là Đất thiêng, ghi dấu bước chân khai phá đầu tiên của tổ tiên người Việt trên miền đất phương Nam mới mẻ!
Hai trăm năm sau, người Việt cùng cộng đồng dân cư đa sắc (Khmer, Hoa, Chăm…) đã lập nên kinh thành Gia Định sầm uất với “mặt tiền” trông ra bờ sông Bến Nghé. Từ 1789 đến 1802, Sài Gòn là kinh đô mới của chính quyền chúa Nguyễn, trước khi Nguyễn Ánh chiếm lại Huế từ nhà Tây Sơn suy tàn.
Theo Gia Định thành Thông chí, dọc con đường từ thủy xưởng Chu Sư (Ba Son) đến kênh Chợ Vải (đường Nguyễn Huệ) là một loạt nhà sàn khang trang, xóm thợ và chợ búa đông vui. Đặc biệt, Petrus Ký ghi nhận, ở vị trí bến đò Cây Bàng, sau này là bến phà, nhìn sang Thủ Thiêm, từng có một kiến trúc mang tên Thủy Các. Đây là nhà làm việc và nghỉ mát bên sông của vua. Cạnh đấy, còn có một điểm bơi riêng cho vua, được khoanh bằng rào tre, gọi là Lương Tạ. Vùng đất bao quanh Thủy Các và Lương Tạ có tên rất trân trọng là Bến Ngự, nghĩa là bến sông chỉ dành cho vua!
Cảnh quan công trường Mê Linh và bến Bạch Đằng cuối những năm 1960. (Ảnh tư liệu)
Đoạn bờ sông ngày nay từ công trường Mê Linh đến bến Water Bus Sài Gòn và bến tàu cao tốc Greenlines là đất Bến Ngự. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ánh - Gia Long chọn khu đất làm “hành dinh” thủy bộ của mình. Hẳn người xưa cho rằng nơi đây là điểm “đắc địa” vì cảnh sắc khoáng đạt và thuận thiên theo thuật phong thủy phương Đông.
Mặt khác, đó còn là vị trí quan sát thuận lợi cả hai đường sông hợp thành hình dáng bán đảo Thủ Thiêm. Thêm nữa, Bến Ngự còn là nơi tiến thủ dễ dàng vì vừa kết nối với thủy xưởng - căn cứ hải quân, vừa có đường bộ liên thông sang Phú Nhuận, hướng về Campuchia.
Con đường quan trọng mang dấu tích vua chúa được người Pháp sửa sang và đặt tên Imperiale - Đế Chế, nay là đường Hai Bà Trưng. Hiện tại, các đường Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt và Thi Sách vốn là những con rạch và đường đất nhỏ nối Bến Ngự với các cổng thành Gia Định thời xưa. Chúng ta càng không quên khu vực bờ sông Bến Nghé và cổng Thành Phụng giáp rạch Thị Nghè (nay là ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Lê Duẩn) là nơi giao tranh khốc liệt giữa quân ta với liên quân Pháp và Tây Ban Nha vào tháng 2/1859. Khung cảnh cuộc chiến đấu đó được cụ Đồ Chiểu khắc họa trong câu thơ bi hùng "Bến Nghé của tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…"
Khi chiếm Gia Định, người Pháp vẫn kế thừa quy hoạch quốc phòng của nhà Nguyễn. Họ chuyển Bến Ngự thành Bến Quân sự là nơi neo đậu tàu chiến và tàu thuyền sửa chữa của nhà máy Ba Son. Đồng thời, người Pháp thiết kế giao lộ ngã bảy, phía trước vị trí Thủy Các xưa, trở thành một quảng trường hình cánh cung kỳ thú, duy nhất của thành phố hiện đại. Quảng trường mang tên Rigault de Genouilly - viên đô đốc chỉ huy đánh Đà Nẵng và Sài Gòn. Tượng của ông ta còn được đặt ở trung tâm giao lộ nhưng đã bị phá bỏ trong những ngày Cách mạng mùa Thu 1945.
Mười năm sau, nơi này được chính quyền mới đổi tên là công trường Mê Linh. Đến năm 1957, công trường có thêm hồ nước bán nguyệt và tượng đài Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, tượng có dáng dấp giống mẹ con bà Ngô Đình Nhu, cho nên ngay sau cuộc đảo chính chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, tượng đã bị người dân kéo đổ. Đến năm 1967, tượng đài Trần Hưng Đạo được khánh thành, thay thế cho tượng đài cũ và đem đến một vẻ đẹp mới về cả lịch sử và tâm linh.
Tượng đài Trần Hưng Đạo đặt tại đây là một chọn lựa sáng tạo và hợp lý. Hình tượng vị tướng quân anh hùng - người lưu danh với trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy, rất phù hợp với không gian bao gồm Bộ tư lệnh Hải quân và bến tàu chiến. Mặt khác, hình ảnh nguyên soái Hưng Đạo còn gắn bó chặt chẽ với các tên gọi Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử đã được đặt cho các bến tàu nối tiếp dọc theo bờ sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé.
Hơn thế nữa, tượng đài cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo dáng như một chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam trong lòng nhiều thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê Linh và tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là nơi chốn du ngoạn hay đẹp mà còn là một địa điểm bồi đắp tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất khuất. Chắc chắn cái hồn thiêng sông nước được hun đúc qua bao năm tháng đã và đang là một nguồn sức mạnh độc đáo của Sài Gòn!
Từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp cùng cư dân tại chỗ và nhiều kiều dân mới đến, đã chuyển hóa Sài Gòn từ một đô hội “nửa thôn nửa thị” trở thành một trung tâm công nghiệp và giao thương tân tiến. Vào những năm 1860, con đường ven sông từ Ba Son đến Cột cờ Thủ Ngữ được mở rộng làm nên một đại lộ thênh thang, mang tên Napoléon. Đại lộ khởi điểm từ bến quân sự, kế đến là các bến thương mại và kết thúc ở giao điểm cầu quay Khánh Hội. Vào nửa cuối thế kỷ XIX, đại lộ Napoléon và con đường dọc bờ kênh Bến Nghé là trục lộ chính của một Sài Gòn trẻ trung và mới lạ, bắt đầu vươn ra quốc tế.
Trên bản vẽ phối cảnh quy hoạch thành phố năm 1880, ở nhà máy Ba Son đã xuất hiện một ụ tàu nổi đồ sộ, trong thực tế được nhập khẩu từ Anh. Kế đến, đối diện với các bến tàu là dãy nhà phố ba hoặc bốn tầng, lợp ngói đỏ, trải dài không khác gì phố phường ven cảng Marseilles.
Tranh quy hoạch Sài Gòn 1880, khu vực Cột cờ Thủ Ngữ và phác họa đại lộ La Somme (Hàm Nghi) với đường xe lửa chạy thẳng từ bến tàu vào nhà ga xe lửa - nay là công viên 23/9. (Ảnh tư liệu)
Đáng chú ý, từ khu vực Cột cờ Thủ Ngữ, các nhà quy hoạch đã dự phóng một đại lộ thẳng tắp có đường ray đặt ở giữa, chạy từ bến tàu đến một nhà ga xe lửa rộng lớn. Kế hoạch ấy phải mất 34 năm sau mới hoàn thành, song nó cho thấy chính quyền thời đó có tầm nhìn rất xa. Và họ đã kiên trì xây đắp hoàn thiện dần dần một thành phố tân lập, đầy đủ cơ sở hạ tầng và tiện nghi mà đến nay chúng ta vẫn đang thừa hưởng khá nhiều.
Dọc đại lộ, tòa nhà nguy nga nhất vừa được trùng tu là trụ sở Tổng cục Hải quan hiện tại. Nguyên gốc tòa nhà là khách sạn Cosmopolitan ra đời năm 1867 do ông Wan Tai, một doanh nhân Hoa kiều đến từ Singapore đầu tư. Khi Tòa thị chính Sài Gòn chưa xây, chính quyền thành phố đã thuê tầng một tòa nhà này làm trụ sở.
Sang năm 1882, tòa nhà được chính quyền Liên bang Đông Dương mua lại và làm mới, trở thành nơi làm việc của Sở Thương Chính và Quản lý thuốc phiện. Gần tòa nhà Hải quan là khách sạn Majestic, một biểu tượng thượng lưu, có mặt từ năm 1925.
Đối xứng với khách sạn là tòa nhà ba tầng trụ sở hãng buôn quốc tế Denis Frères, đã bị thế chỗ bởi tòa nhà Sea Prodex, xây dựng vào những năm 1980. May mắn, cạnh đấy, tòa nhà khách sạn Riverside còn giữ được nhiều nét của kiến trúc nguyên thủy, ra đời khoảng 1908. Nơi đây từng là trụ sở của Công ty Đường thủy Nam Kỳ với nhiều tuyến đường sông phủ khắp Nam bộ và lan tỏa đến Campuchia cùng Thái Lan. Vào những năm đầu 1950, tòa nhà cũng từng là trụ sở của Air Việt Nam, công ty hàng không đầu tiên của người Việt. Khí thiêng thịnh vượng của con đường hoa lệ xuyên qua ba thế kỷ vẫn còn đấy và rất cần được phát huy đúng cách.
Cột neo tàu - niên đại thế kỷ XIX, trước bến tàu cao tốc Greenlines hiện tại. (Ảnh: Phúc Tiến)